#04 Digital Marketing – Giải mã Thái Công

Trong vài ngày qua, cái tên Thái Công tràn ngập không gian mạng ngay cả trong thời điểm có một sự kiện có sức hút mạnh mẽ trong xã hội, đặt biệt với phân khúc nam giới, AFF cúp và tuyển Việt Nam thất bại trước tuyển Indo vẫn không làm vơi được độ hót.

Hình minh họa
(Nguồn: https://www1.lovethatdesign.com/wp-content/uploads/2021/06/Love-That-Design-Luxury-Square-Store-Istanbul-01.jpg)

Tại sao điều này có thể xảy ra?

Nền tảng năm ở 2 từ Marketing và Digital. Digital có lẽ quá dễ hiểu vì ai cũng đụng, ai cũng dùng, ngày nào cũng nghe, cũng nói đến. Về khái niệm thì rất số hóa, phức tạp và uyên bác nhưng nếu chỉ hiểu nôm na (không thật sự khoa học nhưng cũng chính xác cao) thì digital là nền tảng số trong cuộc sống con người liên quan đến intenet, điện thoại và máy tính (personal computer) đặt trên nền tảng giao tiếp vật lý với 2 tín hiệu 0 và 1 đại diện cho 2 trạng thái đóng (tắt) và mở (bật). Vậy có nghĩa là, nếu chúng ta lướt internet xem phim, đọc tin, nghe nhạc, xem bản đồ, ... trên máy tính, điện thoại, đồng hồ thông minh, ... đều là đang đụng đến digital.

Còn Marketing, nghĩa dễ hiểu nhất là cách doanh nghiệp thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng để thúc đẩy, thu hút họ mua hàng. Xa hơn, Marketing cố đạt đến mục tiêu khơi gợi nhu cầu của khách hàng, đồng cảm với những rung động trong tâm hồn khách hàng để dẫn dắt khách hàng thực hiện những gì mà doanh nghiệp mong muốn như nói tốt cho doanh nghiêp, liên tục mua hàng của doanh nghiệp, thần tượng doanh nghiệp.

Tích hợp lại trong khái niệm Digital Marketing,  nghĩa là một doanh nghiệp, hay một cá nhân, hay một tổ chức, một tôn giáo, hay một quốc gia, ... làm mọi cách để ảnh hưởng đến ai đó và dẫn dắt ai đó thực hiện ý đồ của mình thông qua các tương tác trên nền tảng digital (internet, điện thoại, ...).

Vậy tại sao có hiện tượng Thái Công?

Lý giải rất đơn giản, tôi dùng hình tượng Bầy kền kền rỉa xác chết, Đàn kiến bu giọt mật, hay như đàn ruồi bâu lòng lợn là rất dễ để hiểu về bản chất vấn đề không chỉ hiện tượng Thái Công mà còn suy rộng ra nhiều hiện tượng khác thường gọi là “đú trend” trên mạng. Về bản chất, mỗi cá nhân, mỗi công ty, mỗi tổ chức, ... từng phút, từng giây đều nỗ lực làm Marketing (chính xác hơn là làm truyền thông) nên hàng triệu, hàng tỷ và hàng ngàn tỷ thông tin được tạo ra trên không gian internet, liên tục, liên tục như dòng ánh sáng bất tận. Hoạt động truyền thông đấy chỉ có thể có phần nào hiệu quả nếu nó làm cho đối tượng mà bên làm truyền thông muốn tác động phải thấy được, phải đọc được, phải nghe được, phải xem được thì mới có cơ hội tạo ra ảnh hưởng đến họ. Trong núi thông tin khổng lồ ấy, cơ may để được thấy, được nghe, được xem, ... hầu như là bất khả thi cho dù có nỗ lực cách nào đi nữa.

Có 2 cách để đạt mục tiêu. Một là phải tạo ra cái gì đó rất độc đáo, rất khác lạ, và thậm chí rất điên rồ như lột, cởi, hở, v.v và mây mây. Nói chung là phải vô cùng sáng tạo hay cực kỳ điên khùng. Cách này thì không hề dễ làm vì đòi hỏi phải có trình độ rất cao hoặc đúng nghĩa là rất điên, mặt rất dày. Thái Công đã tạo ra cách Một quá giỏi, từ bình bông có giá vào trăm triệu, cho đến cái túi vải có chữ ký giá 99k và người mua rồng rắn xin mua, xin ký, ... đã tạo ra hàng triệu lượt theo dõi, hàng ngàn lời bình, hàng chục thậm chí hàng trăm bài báo thì còn gì mà cách thứ Hai không nhào vô.

Cách hai xem ra nhẹ nhàng hơn. Đó là hành xử như kền kền, như bầy kiến, như đàn ruồi. Nghĩa là chỉ cần trên mạng internet xuất hiện cái Một, tức là có một giọt mật, một khúc lòng lợn xuất hiện thì ngay lập tức hàng đàn, hàng đàn, hàng đàn, cụ thể ở đây được gọi tên rất mỹ miều là người sáng tạo nội dung, Content Creator sẽ lao vào nói về, bàn về, chia sẻ về, phân tích về, đâm thọc về, ... vân vân và vân vân. Đàn kiến đấy lại có sức hút mạnh mẽ với những con kiến còn lại nên lại càng phải bâu vào để đọc, để hóng, để xem, để bình, để đập, để lên tiếng với cơ may được sự để ý của cộng đồng mạng.

Vòng lặp Một – Hai, Một – Hai, Một - Hai cứ như vậy tạo ra từng giờ, từng phút và tạo nên sự sôi động đến mức mà mỗi người ngày càng thấy mình bị thiếu, bị bỏ lỡ, bị thua thiệt nếu chưa nhập hội, nếu chưa tham gia (hiện tượng FOMO) nên mọi người có xu hướng tiếp cận và hành xử kỳ lạ là chỉ thích ngắn, ngắn, và ngắn. Đó là lý do để Tiktok lên ngôi, là lý do để emoji được dùng nhiều, là lý do để tạo ra rất nhiều từ viết tắt, ngôn ngữ cõi mạng và còn nhiều thứ khác nữa.

Ngẫm lại, chúng ta đang bị dẫn đi như một bầy cừu bởi những chủ nhân nhóm Một.

2024-01-22

An, thong dong giữa đời.

x

Comments

Popular posts from this blog

#02 Sai đi, đừng chờ

#03 Câu chuyện 1 m2 đất